Gánh Đồng Nữ Ban Trần_Ngọc_Viện

Sau gần 6 tháng luyện tập khẩn trương, vào khoảng giữa năm 1928, lần đầu tiên gánh hát Đoàn Nữ Ban ra mắt khán giả vở Giọt máu chung tình (nội dung là câu chuyện tình của hai nhân vật: Võ Đông SơBạch Thu Hà), tại cầu Ba Lung, xã Vĩnh Kim, được nhân dân hoan nghênh nhiệt liệt.

Trong một bài viết, GS. Trần Quang Hải (con GSTS Trần Văn Khê, gọi Ba Viện là bà cô), đã nêu lên những đặc điểm của gánh Đồng Nữ Ban, được tóm gọn như sau:

  • Gánh hát không có kép nam (do vậy gánh mang tên là Đồng Nữ Ban), quy tụ con em tuổi từ 17 đến 20 có nhiệt tình của những gia đình nông dân, điền chủ trong làng Vĩnh Kim và các làng lân cận Đông Hoà (tức Bình Hoà Đông thuở ấy) Rạch Gầm, Kim Sơn, Long Hưng.
  • Các diễn viên sống như những nữ sinh nội trú, có thời khoá biểu các môn học: học chữ, học nữ công, học võ thuật để dùng trong những lớp tuồng cần phải đánh võ.
  • Khi đi lưu diễn, cạnh chiếc ghe con chuyên chở thầy đờn, thầy võ, bà Năm Viện cùng tất cả diễn viên ở chung trong một chiếc ghe chài to chứa được mấy mươi người. Ngoại trừ lúc biểu diễn, tất cả diễn viên đều phải mặc áo dài tím (vì cô Ba Viện trước kia là giáo viên dạy đàn cho trường Áo Tím, nên thích cho diễn viên mặc áo dài tím).
  • Tích tuồng không lựa trong lịch sử Trung Quốc mà lấy trong sử Việt, như Hai Bà Trưng, Trần Quốc Toản, Rạch Gầm - Xoài Mút, Máu chảy ruột mềm... trong số đó có vở diễn chủ lực là Giọt máu chung tình của soạn giả Nguyễn Tri Khương.[3]
  • Ngoài những bài bản lấy trong ca nhạc tài tử thông thường như Tây Thi Cổ bản, Lưu thủy đoản, Lưu thủy trường, Hành Vân, Tứ đại Oán, Dạ cổ hoài lang, gánh Đồng Nữ Ban còn sử dụng nhiều bản mới do ông Nguyễn Tri Khương đặt thêm theo phong cách cổ truyền như Yến tước tranh ngôn,Phong xuy trịch liễu, Thất trĩ bi hùng v.v….
  • Cảnh trí, trang phục đều do cô Ba Viện thiết kế dàn dựng và may ráp không lấy kiểu theo hát bội.
  • Động tác diễn đều do cô Ba Viện sắp đặt, với phương châm diễn xuất phải "nhập tâm, nhập vai", diễn xuất theo tình cảm chân thật của mình, không "cường điệu"...

Trong bài Đồng nữ ban - gánh cải lương toàn phụ nữ đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam, TS. Nguyễn Phúc Nghiệp nhận xét:

...Nhận thấy tính cách "quốc sự" của gánh, nên giới cầm quyền thực dân ở Nam kỳ đã ra lệnh cho Đồng Nữ Ban phải ngưng hoạt động vào năm 1929. Tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn; nhưng gánh đồng Nữ Ban là niềm tự hào của nữ giới Tiền Giang trong công cuộc vận động giải phóng dân tộc và góp thêm sự đa dạng của sân khấu cải lương trong những năm 20 của thế kỷ vừa qua.